Nợ tình

  • T2, 11/09/2017 - 11:01
  • admin

Chúa Nhật 23 QN

NỢ TÌNH

“Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài, món nợ tương thân tương ái”

(x.Rm 13,8)

  Nói đến mắc nợ ai cũng sợ. Nợ đây là nợ tiền. Nợ tiền mà không trả là có chuyện. Sẽ bị la, bị mắng, bị đánh đập, bị xiết nhà, bị phát mãi, bị thanh lý. Mượn tiền, vay tiền mà không trả đúng hẹn người ta sẽ tính tiền lời, tiền lãi. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, riết tiền lãi gấp mấy lần tiền nợ gốc. Vả lại, mượn tiền mà không trả còn là một sự bất công, bất hợp pháp.

  Người mà không mắc nợ gì ai thì thật là thoải mái, sống khỏi phải lo, khỏi phải sợ. Để được vậy, có bao nhiêu thì ta làm bấy nhiêu, sau này ta sẽ khếch trương thêm, đừng có ham to làm lớn. Vì càng làm to, làm lớn bao nhiêu thì càng lỗ to, lỗ lớn bấy nhiêu. Hoặc có bao nhiêu thì mình xài bấy nhiêu, đừng có đua đòi cho bằng chị, bằng em hay bằng người ta làm chi, kẻo phải đi vay, đi mượn mà mắc nợ chi cho khổ. Nhà có chỗ ra chỗ vào; có công ăn việc làm hằng ngày và có của ăn hằng ngày dùng đủ là tốt rồi; có một mái ấm gia đình là hạnh phúc rồi, không cần phải có nhà lầu xe hơi; không cần phải cao lương mỹ vị; không cần phải làm giám đốc, có nhiều tiền mới được. Cứ không mắc nợ ai là hạnh phúc nhất trên đời.

  Thế nhưng, có một thứ nợ mà ta phải nợ, theo thánh Phao-lô đó là NỢ TÌNH. Nợ gì thì trả đó. Nợ tiền thì trả bằng tiền. Có khi nợ tiền trả bằng “tình” cũng được. Nhưng nợ tình không trả bằng tiền được. Vì tình không mua hay đổi bằng tiền được. Nợ tình phải trả bằng tình mới được. “Nợ tình” ở đây là “yêu người”, mà người ta gọi nôm na là “Nợ đời”.

  Khi ta yêu thương ai thì người đó mắc nợ ta. Mà mắc nợ thì phải trả, có nghĩa là người đó phải yêu thương lại ta. Người mà yêu thương ta, ta lại mắc nợ họ, nên ta phải trả, phải yêu thương lại họ. Cứ thế mà người ta yêu thương nhau. Tình yêu thương này không áp dụng cho tình yêu đôi lứa hay tình yêu nam nữ.

  Mình yêu một người thì không có luật nào bắt người kia phải yêu mình cả. Tình yêu Nam Nữ là hoàn toàn tự do. Tình yêu đó chỉ thực sự là tình yêu khi cả hai bên cùng đồng tình, mới có hạnh phúc; mới có một tổ ấm; mới thành một gia đình; mới nên một xương một thịt được. Cho nên ai yêu thương một người mà bắt người đo phải yêu thương mình, phải lấy mình là một sự bất công, bất chính và bất nhân.

  Tình yêu mà thánh Phao-lô nói đây là “Tình người”. Tình yêu này là “Yêu người như chính mình” (x.Rm13,9); là điều răn trọng nhất (x.Mt22,39). “Yêu người như chính mình là không làm hại ai”(x.Rm13,10). Điều đó được thể hiện quan các điều răn như: không được ngoại tình, không được giết người; không được trộm cắp; không được ham muốn,…

Mình có muốn người vợ hay người chồng mình đi ngoại tình không? Chắc là không chớ gì. Vậy thì ta đừng đi ngoại tình.

  Mình có muốn người ta giết mình không ? Chắc là không chớ gì. Vậy thì ta đừng giết ai.

  Mình có muốn người ta lấy tiền, lấy đồ gì của mình không ? Chắc là không chứ gì. Vậy thì ta đừng ăn cắp tiền hay lấy đồ của người khác.

  Mình có muốn người khác ham muốn gì của mình không ? Chắc là không rồi. Vậy thì ta đừng có ham muốn gì của người ta.

   Đó chính là yêu người thân cận như chính mình. “Mình không muốn người ta làm gì cho mình thì mình đừng bao giờ làm cho người ta”. Hoặc “Ta muốn người ta làm gì cho mình thì ta hãy làm cho người ta”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của tình người.(x. Mt7,12)

Nói tóm lại là, tình người, yêu người là không làm hại bất cứ ai. Yêu người như vậy là đã chu toàn lề luật của Chúa.

  Trong tình yêu người này có một việc khó, có thể nói là rất khó, đó là việc sửa lỗi cho anh chị em. Mình thấy người anh em hay chị em của mình làm sai, làm quấy, mà vì yêu thương nên phải nói, phải góp ý. Vì nếu ta không nói, không góp ý thì ta sẽ mắc lỗi trước mặt Chúa. Chúa sẽ đòi nợ ta đấy.

Chúa nói: “Ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết, vì tội của nói. Nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại thì nói sẽ chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình”(x.Ed33,8-9).

Việc này rất khó vì cái tôi của người ta quá lớn, rất khó chấp nhận sai và sửa sai. Thường khi nghe đến việc đó là họ nổi điên lên ngay. Chỉ có những ai khiêm nhường thẳm sâu mới vui vẻ chấp nhận sai và sửa sai thôi.

Dầu vậy thì ta cũng phải nói, đó là bổn phận của ta, vì tình liên đới anh em một nhà, “tứ hải giai huynh đệ”; anh chị em cùng một Cha trên trời.

Vậy ta phải làm sao đây?

Như Đức Giê-su dạy trong bài Phúc Âm. Có ba giai đoạn cần làm. Trước hết chỉ riêng ta với người đó. Nếu họ nghe thì tốt; nếu họ không nghe thì cần thêm một hay hai người nữa. Nếu họ cũng không thay đổi thì đem trình lên Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà họ cũng không nghe thì coi như “hết thuốc” chữa, coi họ như không có.(x.Mt18,15-17)

Qua đó, nếu ta có góp ý với ai thì ta cũng làm đến lần thứ ba mà thôi. “Quá tam ba bận” mà. Nói đến lần thứ ba mà họ không nghe, coi như ta đành “bó tay”, coi như ta đã hết trách nhiệm; không nên nói nữa.

Ngày nay nhiều bậc ông bà, cha mẹ hay than van nói con cháu chúng chẳng nghe. Bảo chúng đi nhà thờ nhà thánh mà chúng chẳng đi gì, buồn quá. Các bậc ông bà, cha mẹ hãy nghe và áp dụng Lời Chúa hôm nay. Đối với con cháu từ một tuổi đến 17 tuổi, ta phải nói, phải dạy, có khi phải nghiêm khắc để dạy bảo chúng. Từ 18 tuổi trở lên hay đã lập gia đình, thì ta chỉ khuyên chúng thôi. Có chăng cũng đến lần 3 là cùng, đừng có nói nhiều; cũng đừng có lải nhải chi cho cực; rồi con cháu cũng bực. Tốt hơn hãy ầm thầm mà cầu nguyện cho chúng khi đi tham dự thánh lễ là được. Cứ âm thầm như thánh Mô-ni-ca ấy. Mấy chục năm trời ròng rã âm thầm khóc lóc mà không biết đến nào Augustino trở lại. Và vào một ngày đẹp trời Augustino đã trở lại và còn làm thánh lớn trong Giáo Hội nữa.

Các bậc ông bà, cha mẹ cũng hãy noi gương đó mà sống. Hãy luôn luôn cầu nguyện cho con cháu trong giờ cầu nguyện. Đó là việc bổn phận thứ nhất và quan trọng nhất. Đó chính là tình yêu thương nồng nàn nhất mà ta dành cho con cháu. Đó là tài sản quí báu nhất mà ta để lại cho con cháu đấy.

Đó là “cục nợ” của ta mà ta phải trả suốt đời của ta. Chúng mà nghe ta thì chúng là “cục cưng” của ta. Tuổi dạy bảo tốt nhất là từ khi tượng thai cho đến 7, 8 tuổi. Các bậc làm cha làm mẹ hãy chú ý mà dạo bảo chúng trong thời gian này, để sau này chúng dễ bảo và nên “cục cưng”, “cục vàng” của ta. Không thì chúng sẽ thành “cục nợ” của ta đấy.

Vậy Lời Chúa hôm nay cho ta biết, ta có một món nợ phải trả, phải chu toàn, đó là NỢ TÌNH. Ta đừng bao giờ làm hại người nào, nhưng hãy yêu thương, trân trọng và làm điều tốt cho nhau. Dù cho đó là việc sửa sai hay góp ý. Đó điều tốt nhất cũng là điều khó nhất mà ta phải làm cho anh chị em của ta; cho con cháu của ta, để họ nên thánh nên thiện chứ không lên lớp hay mạt sát. Có như thế ta mới nên thánh nên thiện và không bị Chúa đòi NỢ. A-men.

(Lm. Bosco Dương Trung Tín)