Chúa Chữa Lành Bênh Lao Thận Và Đổi Mới Linh Mục James Manjackal

  • T2, 09/10/2017 - 21:37
  • admin

Từ thời thơ ấu, tôi thường nghe mẹ đọc kinh Chúa Thánh Thần vào đầu những giờ kinh tối trong gia đình. Việc đọc kinh thường kéo dài từ một đến một tiếng rưỡi đồng hồ. Sau này, khi tôi vào học trong các chủng viện, vào đầu giờ các lớp học cũng như trong các sự kiện quan trọng, đều cũng đọc một lời cầu nguyện hoặc một bài thánh ca về Chúa Thánh Thần. Đó là tất cả những gì tôi biết về Chúa Thánh Thần trong quá khứ.

 

Tôi vốn không có ngay cả một hệ giáo lý hay một luận án về Chúa Thánh Thần suốt trong quá trình trau dồi thần học của mình. Tất nhiên, tôi được biết qua giáo lý rằng Chúa Thánh Linh là ngôi thứ ba của một Thiên Chúa Ba Ngôi, và Ngài ban ơn trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ có một kinh nghiệm thực sự về Chúa Thánh Thần cho đến khi tôi được Chúa đụng chạm thông qua lời cầu nguyện mạnh mẽ của một người thanh niên trẻ tuổi nọ.

 

Sau khi tôi chịu chức linh mục vào ngày 23 tháng 4 năm 1973, tôi làm việc trong các cơ quan đại diện của Visakhapatnam khoảng một năm, rồi sau đó tôi được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại Chủng Viện SFS Ettumanoor, Kerala. (Ấn Độ).

 

Khi còn là sinh viên ở các chủng viện, nguyện vọng tha thiết của tôi là được làm giáo sư tại một trường đại học hay chủng viện, một vị trí thoải mái và đáng kính trong đời sống tu trì. Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra được rằng mình sẽ du hành, lang thang từ nơi này đến nơi khác tập thích ứng trong các tình huống khác nhau về ứng xử với con người, tương thích với văn hóa và tập tiêu thụ thực phẩm lạ. Trong thâm tâm tôi đã muốn tìm kiếm cho mình các tiện nghi vật chất và sự an lành của một cuộc sống ổn định. Năm 1975, tôi tình cờ đọc được bài viết về ơn chữa lành và nói tiếng lạ từ một tập san Mỹ, "Giao ước mới". Tôi không thể tin rằng vào những ngày trong thời đại này lại có người được chữa lành bởi đức tin và lời cầu nguyện. Tôi chế giễu ơn tiếng lạ, cho rằng nó xuất ra từ cảm tính rên rỉ thái quá của phụ nữ!. Tâm trí tôi tràn ngập niềm tự hào về kiến thức Triết học và Tâm lý học của mình. Sau đó, tôi nghe nói về một khóa tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng ở Poona, Bắc Ấn Độ. Cùng với một linh mục già thuộc giáo đoàn, tôi đã tham dự khóa tĩnh tâm của cha James D'Souza. Cha là một nhà thuyết giảng hùng hồn và là một vị có giọng hát hay. Tôi thích sự giảng dạy và ca hát của Ngài. Tôi đã đi lên không phải để tiếp nhận một lời cầu nguyện chữa lành vì tôi không bị bệnh. Tôi đã thực hiện một buổi xưng tội sốt sắng và làm theo tất cả các hướng dẫn của các nhà thuyết giáo như đưa tay lên cao và vỗ tay. Khi Ngài nói về ơn nói tiếng lạ và các đặc sủng khác, tôi nghĩ rằng ơn đó không dành cho tôi, nhưng ban xuống cho các tâm hồn ưu tú về tâm linh. Vào ngày Nhóm đón nhận “Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần” tôi chuẩn bị tốt tinh thần, ngồi cùng với các thành viên khác nhưng tôi đã không cảm nhận được bất cứ điều gì đặc biệt khi được Cha cầu nguyện và đặt tay trên tôi.

 

Cha phụ trách tĩnh tâm, khi đến cầu nguyện trên tôi, Ngài nói, "James, một ngày nào đó bạn sẽ là nhà thuyết giảngCanh Tân Đặc Sủng”, nghe điều này, tôi cười to và nói "không bao giờ, không bao giờ đâu". Không chỉ có vậy, tôi không thể chấp nhận những cách đặc biệt của Canh Tân Đặc Sủng được đâu, và tôi luôn luôn tỏ ra nhút nhát trước mặt người khác. Từ những ngày còn đi học và sau này được đào tạo trong chủng viện, tôi đã không có năng khiếu để phát biểu trước đám đông. Ngay cả sau khi chịu chức, tôi là một người thất bại hoàn toàn trên bục giảng. Tôi vẫn còn nhớ rõ những gì đã xảy ra cho tôi trong dịp giảng bài đầu tiên của mình. Sau khi chịu chức, với nhiều miễn cưỡng, tôi đành đồng ý để cử hành Thánh Lễ và giảng vào ngày hôm sau, một ngày lễ Chúa nhật. Ở nhà tôi đã chuẩn bị trên giấy một vài ghi chú về Tin Mừng của ngày hôm đó và kẹp chúng trong quyển Kinh Thánh mới của tôi. Tôi không gặp vấn đề khi dângThánh lễ, vì tôi sẽ nhìn vào sách lễ mà đọc những lời cầu nguyện và những lúc khác tôi thường khép mắt lại vì tôi sợ phải nhìn vào mọi người. Sau khi đọc bài Tin Mừng tôi nhìn dán chặt cả hai mắt trên cửa chính cuối nhà thờ và bắt đầu tìm kiếm tờ giấy ghi chú kẹp sát bìa bên trong quyển Kinh Thánh. Tôi trở nên rất lo lắng và sợ hãi, tôi quên mất là đã để chúng ở phía bìa bên phải hoặc bên trái sách. Tôi sợ không dám dời mắt khỏi cánh cửa nhà Thờ và nhìn vào Kinh Thánh, vì tôi nghĩ rằng làm như vậy mình sẽ nhìn thấy dân chúng và với tình trạng sợ hãi này tôi sẽ sup đổ cách thảm hại hơn. Run rẩy, đổ mồ hôi, nhiều lần tôi đã cố gắng để thốt lên vài lời, … “Anh Chị Em thân mến, thân mến” mà không nói thành câu. Đến vài phút đã trôi qua, từ bên trong cửa sổ, cha xứ nhìn biết tình trạng khó khăn đến ngớ ngẩn của tôi, Ngài thì thầm qua cửa sổ "Cha giảng đủ rồi, bây giờ Cha có thể tiếp tục Thánh Lễ." Giống như một quả bóng xì hết hơi, xấu hổ và tự thương hại, tôi tiếp tục dâng Thánh Lễ. Tôi chắc chắn rằng mọi người có thể đã cười hay thương hại cho vị linh mục trẻ, mới và nhút nhát! Sau Thánh Lễ khi tôi đến phòng thánh, tôi nghe một vị linh mục nhận xét: "Cha ấy là một nhà truyền giáo của (Dòng)Thánh Francis de Sales, ông sẽ rao giảng điều gì đây?". Đó là lý do tôi đã cười khi nghe Cha phụ trách tĩnh tâm nói rằng tôi sẽ là một nhà giảng thuyết đặc sủng. Nhưng đó quả thực là một lời tiên tri! Vì trong suốt 32 năm tiếp theo, tôi chỉ dùng thời gian này để truyền giảng ở khắp nơi trên thế giới.

 

Vào ngày cuối cùng của khóa tĩnh tâm, hầu hết mọi người tham gia đã lên làm chứng về ơn chữa lành của Chúa, chia sẻ kinh nghiệm được các ơn tiên tri, ơn thị kiến, ơn tiếng lạ,… Tuy nhiên, riêng tôi, không có được ơn gì để làm chứng. Nhiều người đã có kinh nghiệm được gặp gỡ Chúa Giêsu và được nghe Ngài nói chuyện với họ! Tôi cảm thấy buồn bã. Tôi bắt đầu cáo tội mình vì quá tự hào nên đã không hợp tác đầy đủ với việc tĩnh tâm và không gặt hái được các ân huệ của Chúa Thánh Thần. Có lẽ tại thời điểm này trong sâu thẳm con tim, tôi bắt đầu ao ước và khao khát thần khí Chúa. Nhiều người bạn tò mò hỏi tôi đã nhận được ơn gì trong khóa tĩnh tâm nhưng tôi không thể đưa ra một câu trả lời chính xác nào. Rồi một tuần sau khi tĩnh tâm, tôi đã bị ốm nặng lần đầu tiên trong đời. Tôi nằm ở hai bệnh viện trong hơn bốn tháng. Tôi trở nên yếu và xanh xao, không thể ăn gì do các cơn đau trong dạ dày, lưng tôi cũng rất đau. Tôi nôn thốc tháo ra mọi thứ kể cả các viên thuốc. Khi đứng lên, tôi không thể tự dâng Thánh lễ, tôi quen với việc dâng Thánh Lễ trên giường với sự giúp đỡ của một vài linh mục khác. Khi nhìn thấy tình trạng đau ốm nặng nề và thảm hại của tôi, nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ không thể sống lâu. Cuối cùng bệnh tật của tôi được chẩn đoán, đó là bệnh lao ở thận cùng với sỏi thận và bị nhiễm trùng. Liệu pháp chữa trị bao gồm chín mươi mũi tiêm và uống thuốc viên con nhộng trong hai năm để chữa bệnh lao. Các bác sĩ đề nghị phẫu thuật trong thận sau chín mươi ngày tiêm thuốc.

 

Vào ngày thứ bảy kể từ khi bắt đầu cuộc điều trị dài ngày này, một điều lớn lao đã xảy ra làm thay đổi toàn bộ cuộc đời của tôi. Trong buổi chiều sau giờ ngủ trưa, tôi đang trò chuyện với hai Sơ đến thăm, đột nhiên có một người đàn ông trẻ, khoảng hai mươi tuổi đi về phía tôi và hỏi: "Thưa Cha, con xin phép cầu nguyện trên Cha cho được Chúa chữa lành". Vào thời điểm đó, Canh Tân Đặc sủng chưa được biết đến và truyền bá tại Kerala, thậm chí không có linh mục nào thực hành việc cầu nguyện chữa lành. Những người theo phái Ngũ Tuần quen thuộc với việc cầu nguyện cho sự chữa lành. Là một linh mục Công giáo, tôi không muốn một người Tin Lành Ngũ Tuần đặt tay trên tôi, một linh mục. Khi tôi hỏi anh ta về nhân thân, anh nói rằng chỉ mới tám tháng nay, anh đã được biết Chúa, lãnh nhận phép rửa tội và được ban cho nhiều đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Tôi càng không thể nào tin rằng Chúa đã sai anh ta du hành bằng xe buýt đến bệnh viện để lo việc cầu nguyện cho tôi. Chưa bao giờ chúng tôi từng quen biết nhau trước đây! Anh không chờ đợi tôi cho phép anh trong việc đặt tay cầu nguyện, kết thúc chia sẻ lời chứng của mình. Anh ta đặt tay trên đầu của tôi và bắt đầu cầu nguyện. "Lạy Cha trên trời, xin gởi Con của Ngài là Chúa Giêsu giờ đây đến với vị linh mục này đang bị tổn thường vì bệnh lao thận, sỏi thận và nhiễm trùng và xin phục hồi ngài hoàn toàn lành mạnh trong cơ thể và tâm hồn". Khi đó, tôi nghĩ trong tâm trí mình rằng anh ta có thể đã thấy các biểu đồ bệnh viện nơi bệnh tật của tôi được báo cáo! Tôi đã không biết rằng anh đang cầu nguyện với ơn trí tri. Nhiều lần anh đã cao rao ngợi khen Thiên Chúa và đôi khi xen lẫn với tiếng lạ trong lời cầu nguyện. Tôi cảm thấy một luồng điện chạy từ tay anh truyền dẫn vào trong tôi. Rồi tôi ý thức được sức mạnh của việc ca ngợi và cầu nguyện công khai mặc dù trước đó trong khóa tĩnh tâm tôi không thể tán thành việc cầu nguyện ồn ào với các lời ca ngợi lớn tiếng. Đột nhiên tôi nghĩ đến những lời cầu nguyện của người mù, ăn xin có tên là Barthimaeus. Ông đã kêu nài lớn tiếng "Lạy Con Vua David, xin thương xót tôi". Mặc kệ các môn đệ đã cố gắng kềm giữ cho ông yên lặng, nhưng ông càng gọi lớn hơn nữa. Sau đó, Chúa Giêsu gọi ông đến bên và ban cho điều ông thỉnh cầu (Mc 10: 46-52). Biểu lộ lời kêu xin ra ngoài miệng chính là sự diễn tả ước muốn từ trái tim! Một lời nguyện to và mạnh mẽ chính là sự dốc đổ lòng ao ước mãnh liệt và tín thác của linh hồn.

Tôi cất lời kêu lên cùng Chúa,

lời tôi kêu Chúa, xin Người lắng nghe. (Tv 77: 2).

 

Các tông đồ vào thời điểm của cuộc bách hại thứ nhất, dâng cao lời kêu xin lên Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của họ mạnh đến mức làm rung chuyển ngôi nhà mà họ đang tụ tập với nhau (Cv 4: 24-31). Tất cả sự hoài nghi của tôi về việc cầu nguyện lớn tiếng đã được chữa lành hoàn toàn. Tôi cũng bắt đầu cầu nguyện cùng anh ta với lời ca ngợi vang xa.

 

Sau đó, chàng thanh niên bắt đầu chuyển hướng, với một cung giọng khác, anh cầu nguyện về các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ của cuộc đời tôi. "Lạy Chúa, vị linh mục này là một linh mục tốt lành nhưng Ngài không thể rao giảng Tin Mừng vì Ngài rất hay mắc cở và rụt rè, căn nguyên của một mặc cảm tự ti đã phát triển trong thời thơ ấu của mình. Ngài đã mất cha khi lên bảy tuổi. Ngài cảm thấy bị xua đuổi và phân biệt đối xử trong số năm người con cùng sinh sống trong nhà. Mẹ góa bụa của Ngài rất vất vả để nuôi nấng các con. Ngài mập và to con nên anh chị em gọi đùa là “thằng béo phì”. Bạn trong trường gọi Ngài “thằng đen” vì là người da màu. Như vậy, tuổi thơ đã chịu đựng rất nhiều thương tổn. Em nhỏ, đã có nhiều oán hận kẻ khác trong tim mình. Lậy Chúa, Xin Chúa Thánh Thần lấy đi khỏi Ngài các vết thương lòng, các sự oán giận và ban cho Ngài một tâm tư mới, giải thoát Ngài khỏi mọi trói buộc và quyền lực của tối tăm. Ôi, lạy Chúa Thánh Thần xin đổ đầy trái tim Ngài bằng tình yêu của Chúa…” Tôi bị sửng sốt vì lời cầu nguyện. Anh ta như phân cắt nội tâm tôi ra thành từng mảnh trong sức mạnh của Lời Chúa. (Thư Do Thái 4:12). Vì mọi điều anh nói đều là sự thật đã xảy ra trong cuộc sống của tôi. Tôi biết chắc rằng các bệnh trạng nội tâm mà anh nêu ra trong lúc cầu nguyện đều không hề nằm trong các biểu đồ báo cáo của bệnh viện! Anh ta đã đọc một biểu đồ từ Chúa Thánh Thần! Trong nước mắt tôi đã nhớ lại những lời của Chúa Giêsu: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. "(Lc 10: 21). Một lần nữa tôi khóc cho niềm tự hào vô nghĩa, đặc biệt là sự tự hào về trí tuệ thông thái của mình. Tôi cảm biết là mình quá thô thiển trong cách dùng hiểu biết thế gian mà đo lường và giới hạn sự khôn ngoan và tình yêu không giới hạn, không thể dò thấu của Thiên Chúa. Tôi nhận ra rằng người thanh niên này, một người tân tòng, lại được ơn tái sinh trong Chúa Thánh Thần trong khi đó thì tôi, một người Công giáo truyền thống, một vị linh mục thụ phong, vẫn còn ở trong bản tính xác thịt của mình. Tôi bắt đầu hiểu rằng những điều mắt chưa thấy, tai chưa hề nghe và lòng người chưa từng nghĩ đến, thì Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn cho những kẻ yêu kính Ngài. Vì Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nhờ Thần khí, bởi Thần khí dò thấu mọi sự, cả những chiều sâu thẳm nơi Thiên Chúa. (I Cor 2: 9-10). Tôi nhận thức có nguồn nước hằng sống đang chảy qua tôi và giải thoát cho tôi khỏi tội nhơ. Tôi cảm thấy có năng lượng tập trung trên thân mình, một cảm giác ấm áp trên bụng và trên thượng thận ở lưng. Tôi tin rằng Chúa đã chữa lành cho tôi. Tôi tuyên bố sự chữa lành và ngợi khen Chúa Giêsu.

 

Vào ngay lúc đó tôi có một nỗi lo sợ nảy ra trong lòng, đó là, liệu người đàn ông trẻ này vốn có thể nhìn thấy tôi một cách từ trong suốt cho đến thấu suốt, sẽ có thể nói trắng ra các tội lỗi tàng ẩn quá đặc biệt của tôi trước mặt hai Sơ này.

 

Rồi… anh ta cầu nguyện "Lạy Chúa Giêsu, chính Ngài đã gọi cha tới chức linh mục, nhưng Cha đang dâng tiến lễ với trái tim và bàn tay không thanh tịnh”. Những lời của tiên tri Malachi đến trong tâm trí tôi và bắt đầu cáo buộc tôi về sự không thánh khiết trong chức linh mục, "hỡi các thầy tế lễ khinh dể danh ta!... Các ngươi dâng bánh ô uế trên bàn thờ ta." (Mal 1: 6-7). Anh tiếp tục cầu nguyện rằng "Vị linh mục này đang còn chưa tha thứ đối với nhiều người, xin ban ơn biết tha thứ cho người khác và rửa Ngài trong máu quí giá của Chúa và ban cho Cha một quả tim trắng hơn tuyết”(Is 1: 18). Vào thời điểm này, chính Chúa Thánh Thần bắt đầu cáo buộc về các tội lỗi tôi đã phạm (Ga 16: 8). Tôi không biết rằng cậu thanh niên đã bước ra khỏi phòng rồi, cùng với các sơ đi cầu nguyện đặt tay cho những người bệnh khác. Tôi đang nhìn thấy một tờ giấy trắng trước mặt tôi, trong đó có ghi rõ ràng tất cả tội lỗi của tôi, những tội lỗi tôi đã xưng ra, và đôi khi những tội tôi dấu diếm vì sợ hãi và xấu hổ. Tôi thấy rõ người mà tôi chưa tha thứ và những người mà tôi chưa thực sự làm hòa trong tâm tư. Tôi thấy trái tim của tôi bị bao bọc trong tối tăm với tấm màn của những thói quen xấu và mạng nhện của sự giả hình. Lời Chúa, về sự rước Chúa cách bất xứng tất sẽ đưa đến sự tội và bị kết án (I Cor 11: 27), bắt đầu xua đẩy tôi vào một cuộc khủng hoảng sâu trong lương tâm. Tôi đã có một thói quen xấu bắt rễ sâu xa từ tuổi thiếu niên của tôi. Ngay cả bàn tay của tôi đã nhuộm vàng với mùi hôi của khói thuốc lá. Trong nước mắt tôi thưa: "Lạy Chúa, con không thể thoát ra khỏi những thói quen xấu xa này. Con bất lực, con không thể tiếp tục làm một linh mục thánh thiện”. Trong những giọt lệ, tôi kêu khóc với Chúa, có lẽ là lần đầu tiên trong đời tôi cầu nguyện trong nước mắt. Tôi hoang mang cực độ, không biết là mình có nên rời khỏi chức vụ linh mục hay cứ tiếp tục. Chúa Thánh Thần trong tôi đang nói, nếu tôi muốn tiếp tục, tôi phải là một linh mục thánh thiện, một con người khác. Tôi cho rằng các Thánh lễ tôi dâng trong quá khứ đã không được chấp nhận bởi Cha trên trời và không một lời lời cầu nguyện nào của tôi đã được Chúa nghe nhận. Khi tôi bước lên bàn thờ tôi cần phải tha thứ và hòa giải (Mt 5: 23). Tôi phải tha thứ cho người khác để cho lời cầu nguyện của tôi có hiệu quả (Mc 11: 25).Tôi nghĩ rằng tôi là một con người khốn khổ, hoàn toàn hư mất! Tôi đang ở trong bóng tối đen ngòm, trong nghi ngờ và bối rối. Tôi nghĩ rằng mình đã lừa dối Thiên Chúa và mọi người trong chức linh mục của mình. Tôi đang cầu nguyện trong sự bất lực "Lạy Chúa xin cứu con là kẻ tội lỗi".

 

Thiên Chúa của tôi đã không bỏ rơi tôi trong tuyệt vọng. Lần đầu tiên trong cuộc sống của tôi, tôi thấy Chúa Phục Sinh đi về phía tôi trong ánh sáng chói lòa. Khuôn mặt Ngài chiếu sáng, áo trắng của Ngài lấp lánh hào quang. Bao quanh Ngài có nhiều thiên thần. Tôi có thể nghe thấy tiếng nhạc du dương của các thiên thần. Ngài đặt tay lên vai tôi, tôi đã trở nên rất nhỏ bé trước Ngài, Chúa nói với tôi một cách rất rõ ràng "James, con là linh mục của Ta mãi mãi. Ngay từ khi Ta thụ thai trong lòng Mẹ của Ta (cung lòng của Đức Maria), con đã có đó như một linh mục chia sẻ chức vụ tư tế đời đời của Ta. Cha tha thứ cho tất cả tội lỗi của con và làm cho con hoàn toàn nên mới”. Đó là một sự mặc khải lớn lao đối với tôi, rằng tôi đã thuộc về nhiệm thể của Ngài từ khi Ngài mặc lấy hình dạng con người. Đức Maria đã trở thành mẹ của tôi từ lâu trước khi Chúa Giê Su giao phó Mẹ cho nhân loại trên thập tự giá khi nói “Này là con Mẹ…”. Rồi tôi thực sự cảm nghiệm được sự gần gũi với Mẹ Maria, tôi cảm thấy mình như một em bé được an ủi và chữa lành trong khi Mẹ bế đặt trên đùi mặc dù tôi không nhìn thấy Mẹ. Không có từ nào diễn tả hết được kinh nghiệm tôi đã trải qua trong buổi ngất trí kéo dài hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ. Chúa bảo tôi thực hiện một cuộc thú tội tổng thể thật sâu sắc về cuộc sống quá khứ của tôi. Ngoài ra, Ngài hướng dẫn tôi đi hòa giải với những người mà tôi oán hận. Trong thời gian dài được đào tạo ở chủng viện hay trong nhà tập, tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu trong cầu nguyện hay nghe giọng nói ngọt ngào này mặc dù vị Giáo Sư và vị Linh Hướng của tôi đã dạy tôi chiêm niệm và cầu nguyện. Bây giờ tôi biết rằng lời cầu nguyện và chiêm niệm không phải là một cái gì đó mà tôi có thể đạt thấu, nhưng là ơn mà tôi chỉ có thể nhận được như một món quà tinh khiết của Chúa Thánh Thần.

 

Tôi chợt thức dậy từ giấc mơ đầy ơn phúc đó khi một y tá gọi tên tôi. Tôi nhìn thấy cô đứng trước tôi với các liều thuốc tiêm và viên thuốc. Với nhiều niềm vui trong tim, tôi nói với cô ấy rằng tôi vừa trải qua một kinh nghiệm sâu sắc về sự đụng chạm của Chúa Giêsu, và tôi đã được chữa lành. Khi cô rời khỏi phòng, tôi cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa với một giọng nói lạ, tôi cảm thấy rằng ngôn ngữ và lời nói của tôi được gỡ bỏ và Chúa Thánh Thần cho một ngôn ngữ và lời nói mà nghĩa của nó là khó hiểu với tôi. Món quà rất đáng gọi tên tặng phẩm, đó là ơn “nói tiếng lạ”, một ơn mà tôi vốn đã không muốn có, nay được trao cho tôi bởi chính Chúa của tôi. Tôi đã thực sự cố gắng để hội nhận ra được mọi chiều: rộng, dài, cao, sâu của tình yêu vô biên của Thiên Chúa thể hiện qua Chúa Giêsu, Con của Ngài (Eph 3: 18)…

 

Sau một lúc, bác sĩ điều trị đến và trách cứ tôi vì đã không chịu uống thuốc. Ông nói: "Cha là một linh mục, tôi tin rằng Cha có ý thức và kiến thức. Cha có nghĩ rằng Cha lại đang được chữa lành bằng lời cầu nguyện của thanh niên tân tòng sao? Nếu Cha không uống thuốc, bệnh sẽ bùng phát." Tôi nói: "Xin lỗi Bác sĩ, tôi sẽ uống thuốc nhưng tôi biết mình được chữa lành bởi những lời cầu nguyện của cậu nhỏ". Tôi uống viên thuốc và chịu mũi tiêm trước sự hiện diện của bác sĩ bởi vì tôi biết rằng các bác sĩ và thuốc men đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa và tôi hứa rằng tôi sẽ tiếp tục việc điều trị theo liệu pháp y khoa cho tới khi ông có kết luận khác(Huấn ca 38: 1-2).

 

Tôi rất hạnh phúc và vui vẻ. Tôi bắt đầu nói với những người bên cạnh và các Sơ về việc được chữa lành. Đêm hôm đó, tôi có giấc ngủ ngon và sâu mà không cần một viên thuốc ngủ nào. Đó là sự lành bệnh về thể lý đầu tiên tôi nhận được. Kể từ khi tôi có vấn đề về thận, tôi đã không thể ngủ được nếu không sử dụng thuốc an thần. Hôm sau, tôi thức dậy vào lúc 4 giờ sáng như thể có ai đó đánh thức mình dậy sớm, chắc chắn vị đó là Chúa (kể từ ngày hôm đó tôi luôn thực hiện việc cầu nguyện cá nhân hàng ngày vào buổi sáng bắt đầu lúc bốn giờ). Tôi ngồi trên chiếc ghế và cầu nguyện trong một tiếng rưỡi đồng hồ với cùng kinh nghiệm sốt sắng của ngày hôm trước nhưng với sức mạnh gia tăng thêm nhiều hơn. Trong lúc cầu nguyện, Chúa đặt để sự khôn ngoan của Ngài vào trong miệng của tôi và trao cho năng lực để rao giảng về Vương Quốc của Ngài và ra lệnh cho tôi phải từ chức giáo sư chủng viện và ra đi rao giảng. Sau khi cầu nguyện tôi đi bách bộ một giờ nhớ lại mới ngày hôm trước, tôi còn không thể tự mình đứng dậy, ra khỏi giường và một mình bước đi xung quanh căn phòng!

 

Sau khi tắm rửa, tôi liền đi đến nhà nguyện để cử hành Thánh Lễ cùng với hơn một trăm năm chục người tham dự. Bài đọc Tin Mừng trích sách Luca chương 19, về câu chuyện của ông Gia kêu. Không có bất kỳ sự chuẩn bị nào trước mà cậy dựa hoàn toàn vào Chúa Thánh Thần, tôi đã có thể giảng trong vòng mười tám phút, và còn làm được điều đố kỵ nữa, tức là nhìn mặt đối mặt với mọi người. Tôi cảm thấy đã hoàn toàn được giải thoát khỏi gánh nặng và trói buộc của sự sợ hãi và mặc cảm tự ti của một linh mục. Tôi cảm thấy có một sự gần gũi đặc biệt với những người trong Thánh Lễ. Tôi có thể nhìn ngắm họ với sự tự do và tình mến như thể mỗi người là anh chị em ruột của tôi. Sau Thánh lễ, được thông báo về sự thay đổi trong hành vi của tôi, bác sĩ liền đề xuất lệnh cho làm lại tất cả các xét nghiệm. Sau đó, ông gọi tôi vào phòng và chỉ cho tôi cách so sánh những kết quả cũ và mới của các cuộc thử nghiệm lâm sàng đồng thời tuyên bố, xác nhận rằng thận của tôi đã hoàn toàn bình phục, và rằng tôi có thể ngưng dùng tất cả các loại thuốc cùng được xuất viện! Tôi không biết làm thế nào để diễn tả hết niềm vui vào thời điểm đó. Tôi nói, "Ngợi khen Chúa" và ôm từ giã bác sĩ trước khi rời bệnh viện.

 

Tôi đi ra khỏi bệnh viện như một con người mới với các quyết định và quyết tâm mới. Tôi quyết định sống cho một mình Chúa Giêsu và dành cả đời mình cho việc rao giảng Nước của Người. Tôi từ bỏ công việc của tôi trong vị trí giáo sư chủng viện, và chuẩn bị bước ra ngoài đi rao giảng, sau khi đã dành 40 ngày ăn chay và cầu nguyện. Kể từ ngày 17, tháng 2 năm 1976 tôi bắt đầu giảng tĩnh tâm cho phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Lần đầu tiên, tôi giảng bằng tiếng Malayalam, ở tiểu bang Kerala. Cho đến tận bây giờ tôi chỉ dành thời gian của tôi trong việc rao giảng Lời của Ngài mà thôi. Bề trên kính mến của tôi sau đó đã đề nghị nhiều cơ hội cho tôi đi đến nước Đức hoặc đến Rome để theo đuổi học vị tiến sĩ, nhưng tôi đã mạo muội từ chối vì Chúa Thánh Thần nói với tôi, "Ta là đủ cho con". “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." (Lc 9: 62).

 

Trong thời gian đào tạo tại chủng viện, khi tôi thấy có nhiều bạn đồng hành được đề cử ra nước ngoài để theo học bậc cao hơn, tôi đã có một khát vọng lớn, đó là được du học nước ngoài để nâng cao trình độ kiến thức của mình. Tạ ơn Chúa, bây giờ Chúa còn đang thỏa mãn ước vọng của tôi, khi được tiếp tục giảng thuyết về Vương Quốc Nước Trời (ngoại quốc). Thật quả đúng là khi chúng ta chịu từ bỏ bất kỳ ham muốn thế gian nào vì lợi ích của Chúa, Ngài sẽ trả lại gấp trăm lần! Đúng là Chúa Giêsu đã sử dụng tôi để Ngài xây dựng một nhà cầu nguyện cho Ngài, tại Athirampuzha, Kerala (Ấn Độ), cũng được gọi là Charis Bhavan. Trong các buổi giảng tĩnh tâm, hội nhóm và cầu nguyện chữa lành, tôi gặp phải những chống đối và ngay cả các bách hại nữa. Nhưng Lời Chúa nói rằng, ai muốn sống một cuộc đời thánh thì sẽ bị bách hại, lời này đã an ủi và tiếp sức mạnh cho tôi (II Tim 3: 12). Tôi biết rằng tất cả những ân huệ và quyền năng từ Thiên Chúa được trao cho tôi, một con người yếu đuối, cũng giống như sự chứa đựng đồ quí giá trong bình sành lọ đất, ngõ hầu quyền lực siêu vời kia thực sự rõ ràng đến từ Thiên Chúa, chớ không phải xuất tự chúng tôi. (II Cor 4: 7). Cùng với Thánh Phaolô, tôi nữa, tôi cũng sẽ nói rằng, Tôi có sức chịu đựng mọi sự, trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi.(Phi-líp 4: 13). Quyền năng của Ngài được bày tỏ trong giai đoạn tôi bị bắt cóc và cầm tù trong thế giới Hồi giáo ở các nước Ả Rập, và trong những lời lăng mạ và những hiểu lầm của bề trên và bạn bè.

 

Tôi kết luận lời chứng của tôi với những lời của Thánh Phêrô 4:12-14:

Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.

 

__________________________________________

Cám ơn Chúa vì sự thành tín và độ lượng của Ngài, ngày hôm nay mục vụ Canh Tân Đặc Sủng của Cha James Manjackal được Giáo Hội bốn phương công nhận.

Cha đã thực hiện nhiều hành trình rao truyền Tin Mừng trong 87 quốc gia trên 5 châu lục, Ngài thuyết giảng trong các buổi tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng, chủ trì các hội nghị và cầu nguyện xin ơn chữa lành, hướng dẫn trong các trường Tin Mừng và tiên phong trong công tác truyền bá đức tin cho người Hồi Giáo vùng vịnh Ả Rập. Cha sáng lập dòng “Nữ tì Maria đầy ơn phước” trong giáo phận Vijayapuram, bang Kerala, Ấn độ. Ngài viết nhiều sách về Canh Tân Đặc Sủng như “33 Lời nguyện Đặc sủng” được dịch ra vài ngôn ngữ, “Cầu nguyện làm nên điều kỳ diệu”, “Ngài đụng chạm và chữa lành tôi”, “Sự Chữa lành tạo nên Đời Sống mới”, “Tỉnh thức, Ta gõ cửa đây”, “Tìm thấy rồi”, “Vào trong tàu Noe”. Mới đây, tháng 2 năm 2016, Cha được Đức Thánh Cha Phan xi cô chỉ định là một trong 700 sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa nhân dịp năm thánh Lòng thương xót.

===========

Vị Linh Mục đi rao giảng bằng xe lăn.

Cha Giacôbê Manjackal – P2.

 

Nếu bạn có dịp đi Âu Châu vào một ngày đẹp trời nào đó, ở Fatima Bồ Đào Nha, hoăc Lộ Đức Pháp, ở Valladolid Tây Ban Nha, hay đến Varsava thủ đô của Ba lan, ở Kosice, Nam tư, rồi đến Riga thủ đô của Latvia, kể cả Vien thủ đô Áo quốc v.v…

Có thể bạn sẽ tình cờ được nghe và biết đến các buổi cầu nguyện của Cha Giacôbê Manjackal ở các quốc gia nêu trên, được tận mắt chứng kiến sức sống sinh động của Chúa Giêsu Phục Sinh qua con người của một vị linh mục cao niên, ngồi trên xe lăn và thu hút mọi con chiên từ khắp nơi đến lắng nghe sứ điệp từ Tin Mừng Cứu Độ và sự chữa lành bắt nguồn từ Chúa Giêsu qua hoạt động của Chúa Thánh Linh.

Cha Giacôbê là linh mục thuyết giảng giòng truyền giáo thánh Phan xi cô thành Sales (M.S.F.S), Ngài bị bệnh gọi là “hôi chứng Guillain Barre” vào năm 2012. Bệnh này đã làm thần kinh chân bị tê liệt, cha phải ngồi xe lăn kể từ đó. Tuy nhiên, Cha nói, “Chúa vẫn cho phép tôi được di chuyển đến nhiều quốc gia để lo việc mục vụ, giảng thuyết và cầu nguyện chữa lành”.

 

Cha Giacôbê chia sẻ:

Sau khi Chúa Giêsu nhận lấy Chúa Thánh Thần qua phép rửa ở sông Jordan, Ngài được chính thần khí Chúa dẫn vào trong sa mạc, nơi Ngài đã chịu thử thách và cám dỗ, và ở nơi cô quạnh đó, Chúa Cha trang bị cho Ngài ơn chịu đựng thương tổn cùng với các ơn khác để Ngài rao giảng phúc âm hóa và cứu độ nhân loại. Cũng một thể thức đó, mọi người theo Chúa Giêsu đi ra rao giảng, họ cũng được trang bị nhiều ơn, trong đó, có cả ơn chịu đựng thương tổn. Nhiều người muốn nhận được các ơn khác, như ơn thuyết giảng, ơn dậy dỗ, tiên tri, thị kiến, nhưng thường họ không muốn nhận ơn chịu đựng đau khổ.

 

Cha kể về kinh nghiệm của mình:

Chịu đựng thương tổn là một ơn giống như các ơn khác, “Vì anh em đã được phúc vì Đức Ki tô – chẳng những là tin vào Ngài, mà còn được chịu khó vì Ngài” (Thư Phi lip 1:29)… Trong lúc tôi bị thương tổn, tôi thực được nhận ơn lành của Chúa Thánh Thần tuôn đổ xuống, tôi cảm thấy được gia tăng thêm sức mạnh tinh thần cùng với sự sáng suốt trong tâm trí…

Ơn chịu đựng các thương tổn làm ích cho những người khác khi họ được hưởng nhờ các hy sinh của ta, ơn này làm cho ta vui mừng vì được nên giống Chúa Ki tô hơn. Đây cũng là lý do Thánh Phao lô ước ao được chịu đau khổ, để nên giống Chúa ngay cả trong cái chết. “để được biết về Ngài, và quyền năng sống lại của Ngài, cùng được thông phần vào các sự thống khổ của Ngài“ (Thư Phi lip 3:10)

 

Cha kể về một gương hy sinh khác:

Tôi còn nhớ, một lần nọ, tôi đi thăm một nhà nghèo, tôi khám phá thấy có tới 5 người què và tàn tật đang ở trong nhà., tôi hỏi, làm sao họ có thể sinh hoạt cách vui tươi, tự nhiên và đi tham dự thánh lễ hàng ngày, nhất là lại còn cõng, mang theo các đứa con khuyết tật của mình nữa, Người đàn ông trả lời: “ Con cái là quà tặng của Chúa, Ngay khi chúng còn đang ở trong bụng mẹ thì các bác sĩ đã khuyên chúng con phá thai vì em bé sẽ không khỏe mạnh và bình thường, nhưng chúng con quyết định cưu mang và nuôi lớn chúng, xem như đây là quà tặng của Chúa. Chúa yêu chúng con nhiều lắm khi Ngài ban chúng cho chúng con. Ngài biết rõ là nếu những đứa trẻ này được trao phó cho một người nào đó với lòng tin và yêu mến Chúa ít hơn thì chúng sẽ không được chăm sóc kỹ lưỡng. Chúa Giêsu biết rõ là chúng con không có phương tiện để nuôi con, thế là Ngài giúp chúng con qua nhiều ngưởi tốt bụng ở chung quanh chúng con, và tới phiên họ, lại nhận lãnh ơn lành từ các đau khổ của chúng con. Khi tôi đưa tặng ông một số tiền, ông nói: “ Thưa Cha, con không muốn nhận tiền của các Linh Mục, con chỉ muốn được Cha ban phép lành bởi vì con tin tưởng rằng ơn lành từ các Linh Mục sẽ mang lại sức mạnh và ơn phúc trong đời sống của mình”. Nói rồi ông ta quì xuống cùng với vợ. Tôi đã ban phép lành của Chúa cho Ông Bà, cho các cháu, cho túp lều nghèo nàn của Ông. Tôi nhận ra rằng người nghèo dễ vui vẻ đón nhận ơn chịu đựng đau khổ hơn là Người Giàu, Người có thế giá trong xã hội.

 

Cha kết luận như sau:

Điều chắc chắn là tình yêu của ta được thử thách qua các đau khổ, đó là lý do làm cho tôi không ca thán và không xin Chúa mau chóng cất đi các gánh nặng thương tổn ra khỏi thân thể của tôi. Ơn gọi để chịu đựng đau khổ với Chúa Giêsu vốn nằm trong chương trình của Chúa nhằm giúp ta được thanh luyện và biến cải từ con người của thế tục tới con người được thánh hiến cho Chúa.

 

Đến đây hẳn bạn đọc đang nóng lòng muốn biết các hy sinh của Cha Giacôbê đã có kết quả như thế nào? Nó sinh hoa kết quả trong các con chiên của Cha ra sao? Vâng, đã có thật nhiều các hoa trái tốt tươi. Có quá nhiều ơn những người tham dự tĩnh tâm Thánh Linh của Cha đã được nhận lãnh và ghi lại qua các chứng từ, tôi xin đan cử bốn trường hợp tiêu biểu trong số mấy trăm trường hợp khác, nếu muốn, các bạn có thể tham khảo thêm ở trang mạng liên kết này:

http://www.jmanjackal.net/eng/engtestrecents.htm

 

Lời chứng của ông Jiri Frybort. Nước Cộng Hòa Séc.

Tôi sinh trưởng trong một gia đình vô thần. Khi đến tuổi ba mươi, tôi đã ly dị vợ cũ. Tôi có ba đứa trong đó có một cháu không cùng giòng máu với tôi. Rồi sau đó, tôi gặp được người vợ mới, cô Iveta, chúng tôi cùng nhau tìm được chân lý nhở Kinh Thánh. Chúng tôi gia nhập Hội Thánh Tin Lành Husitte.

Năm 2001, tôi nghe như có tiếng nói trong tâm hồn, tiếng nói dành riêng cho tôi, rằng “Tôi cần đi xưng thú tội lỗi”. Đến năm 2002, tôi xin Giáo Hội Công Giáo cho tôi gia nhập và được lãnh nhận bí tích hòa giải, xưng hết mọi tội đời, nhận lãnh bí tích hôn phối, bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên Iveta, vợ tôi không muốn gia nhập Đạo Công Giáo. Vợ tôi là một người vợ hiền và đảm đang, cô đã giúp tôi rất nhiều. Tôi yêu cô lắm và tôi tin rằng một ngày gần đây cô sẽ xin cải đạo. Trong Hội Thánh Công Giáo tôi tìm được nhiều ơn phúc quí giá.

Đến năm 2010, tôi bị bệnh nặng kinh khủng, chẩn đoán xác định đó là bệnh Ung thư tụy tạng, Tôi tìm đến buổi tĩnh tâm của Cha Giacôbê, tổ chức ở Koclirov, khi Cha cầu nguyện xin Chúa chữa lành, Cha xướng lên tên Jiri của tôi ngay trong đám đông và tôi được chữa lành về thể lý. Rồi tôi đi tái khám, bệnh ưng thư không còn được xác định nữa. Từ buổi tĩnh tâm, sức khỏe tôi từ từ từng chút một, phục hồi, thể trạng cứ thế tốt hơn lên, cho đến bây giờ thì cơ thể gần như hoàn toàn khỏe khoắn. Nhưng mà điều tuyệt diệu nhất là kinh nghiệm đẹp đẽ về đời sống mới trong Thần Khí Chúa, Số là, trong lúc bệnh tật hoành hành trong cơ thể, tôi quyết định hoàn toàn đầu phục Chúa, tuân theo thánh ý của Ngài, ngay trong dip tĩnh tâm này, rồi tôi được Chúa ban cho một cuộc khởi đầu mới, tôi thay đổi và muốn tham dự Thánh Lễ hàng ngày, muốn lần hạt mân côi, ước ao sống theo mười điều răn. Đời sống tâm linh cứ thế thăng tiến lên hơn.

Lời chứng của một bạn trẻ Stefani Stephen, Nước Thụy Sĩ.

Con tên là Stefani, 16 tuổi. Con tham dự kỳ tĩnh tâm vào tháng 9, năm 2014 ở Thụy Sĩ. Trong buổi cầu nguyện chữa lành Cha đã gọi tên con và nói: “Có một bạn trẻ tên là Stefani đang được Chúa chữa lành”. Vào lúc đó, con cảm thấy như dang có một nguồn suối ơn tuôn chảy vào tâm hồn con, ngay lập tức con cảm thấy mình được thay đổi và có nhiều điều mới mẻ xảy ra. Thực vậy, kể từ ngày đó cho đến nay con cảm thấy yêu mến Chúa Giêsu hơn, con thích cầu nguyện và đọc sách Kinh Thánh. Con có thể chuyên chú học hành thay vì bị các đam mê cuốn hút con vào các trò chơi trên điện thoại di động hay các chương trình TV. Giờ đây, con cũng thích tham dự Thánh Lễ (việc này rất hiếm hoi trong sinh hoạt của các bạn trẻ ở Thụy Sĩ), con được gia tăng đức tin nơi bí tích Thánh Thể. Con dùng thì giờ nhàn rỗi để nghe các bài giảng tĩnh tâm khác từ mạng Internet. Con quan tâm cầu nguyện cho tội nhân và cầu nguyện cho các linh hồn trong lửa luyện ngục. Đức Tin của con trở nên mạnh mẽ.
CON CẢM ƠN CHÚA GIÊSU, CON NGỢI CA CHÚA GIÊSU, A LÊ LU IA!

 

Lời chứng của Bà Maria de Fátima Fonseca, thành phố Bombarral, nước Bồ Đào Nha.

Ngày từ khi còn nhỏ, tôi bị hội chứng rối loạn chức năng dường ruột cộng với rối loạn tiêu hóa, bệnh nặng đén nỗi tôi không thể ăn uống thức gì mà không bị thức ăn làm cho khó chịu với các đoản kỳ thay đổi từ tiêu chảy thường xuyên, chuyển sang dau co thắt bụng rồi đến táo bón. Từ lúc tôi tham dự tĩnh tâm của Cha Giacôbê, tình trạng đã cải thiện nhiều, (tôi có thể ăn uống gần như bình thường).

Tôi cũng bị cao huyết áp ở võng mạc mắt kéo dài đã bốn năm nay. Tôi phải khám bệnh và điều trị mỗi sáu tháng nhưng thuốc men làm cho ruột tôi bị tổn thương đến độ Bác sĩ phải dừng việc cho thuốc điều trị võng mạc trong một thời gian. Trong kỳ tĩnh tâm Canh Tân Đặc Sủng trước đây, tôi đã xin Chúa chữa cho các vấn để của tôi. Một năm sau đó, tôi đến tái khám, Bà Bác sĩ ngạc nhiên khám phá ra là áp huyết trong mắt của tôi đã trở lại bình thường cho dù đã không có sự điều trị y khoa nào.

Kể từ năm tôi được ba mươi tuổi, tôi còn bị bệnh viêm thấp khớp, trong giờ cầu nguyện chữa lành, tôi xin Chúa chữa và tôi được kết quả khá hơn nhiều, mấy lần thử máu kết quả đều bình thường. Ngợi khen Chúa.

 

Lời chứng của Cô Klaudia từ thành phố Fernitz, Áo Quốc.

… Khi được nghe nói về Cha Giacôbê, Tôi mong mỏi cho chóng đến ngày được tham dự tĩnh tâm Canh Tân Đăc Sủng, chính trong kỳ tĩnh tâm này, lần đầu tiên tôi có thể nghe và hiểu nhiều điều về Chúa bằng cả trái tim. Thật là nhứng ngày vô cùng quí giâ cho tôi khi được có trải nghiệm về Tình Yêu và sự tốt lành của Chúa đồng thời biết được rằng để nhận được ơn chữa lành, chúng ta chỉ cần “Tin” vì Chúa Giêsu đã gánh hết các các hệ lụy của tội lỗi cho ta trên thập giá rồi. Trong ngày cầu nguyện chữa lành đầu tiên của kỳ tĩnh tâm, Cha Giacôbê nói trống vào đám đông tham dự “Kaudia, con được chữa lành”, ngay lúc đó, tôi biết câu nói đó nhằm vào chính tôi. Tôi cảm thấy một tình yêu của Chúa, tuyệt diệu không thể diễn tả nổi, đổ xuống tràn ngâp tâm hồn tôi, Từ sáu năm rưỡi qua, tôi bị bệnh bối rối trong tâm trí rất nặng nề, cùng quẫn, tôi đành tìm kiếm sự chữa trị qua phép thiền Esoteric, tìm kiếm giác ngộ và thư giản qua thiền. Tôi không nghĩ đến sự sai trái, hay tác hại của nó vì tôi cho rằng qua thiền định, người ta cùng cộng tác với các thiên thần từ trên cao...

Lần đàu tiên tôi cảm được sự bình an, rất thanh lắng từ bên trong, không giống như sự an tĩnh của thiền Esoteric vốn chỉ diễn tiến trong một khoảng ngắn ngủi để rồi sau đó càng khuấy động tâm tư nhiều hơn và làm cho tôi giống như bị rơi, lọt tỏm vào một cái ống không đáy, không lối thoát. Trong ngày thứ hai Cha Giacôbê giải thích lý do tại sao thiền Estoric là sai lạc và tai hại. Đề tài của buổi nói chuyện làm cho tôi ân hận suốt ngày hôm đó. Ngay khi vừa xong buổi tĩnh tâm về đến nhà lúc chiều tối, tôi vội vã ném hết các thứ vật dụng, hình ảnh liên quan đến thiền Estoric, bộ bài, huy hiệu, đủ thứ, tôi tống khứ chúng ra khỏi phòng ngủ, đưa ra khỏi nhà ngay lập tức. Rồi tôi đi xuống tầng hầm mang thánh giá Chúa lên tầng trên. Tôi không thể ngờ được các thứ tai hại đó đã chiếm mất bao nhiêu khoảng trống trong đời tôi. Tôi đã không nghĩ ra là chúng làm cho tôi bị xa cách Chúa. Thoạt đầu khi nhìn thấy các hành động (dọn rác) của tôi, chồng con tôi rất ngạc nhiên nhưng ngay sau đó họ cảm thấy gánh nặng nay đã được cất đi khỏi nhà. Con trai tôi lên giọng “Con đã nói mẹ hoài là con không thích các thứ đồ đó”

Tôi được thật nhiều ơn lành, giờ đây tôi đi tham dự thánh lễ hàng ngày, tôi treo ảnh lòng Thương Xót của Chúa ngay trên đầu gường với sự thích thú và quí mến “Giêsu, con tín thác nơi Ngài”. Từ đáy lòng tôi ước ao luôn được tham dự Thánh Lễ, tôi thích ghé vào viếng nhà thờ đang khi trên đường đến sở làm (một điều rất hiếm xảy ra ở Áo Quốc), trong nhà thờ tôi cầu nguyện hay ngồi im lặng ở đó với Chúa kính yêu. Mỗi ngày tôi đọc sách tu đức của Cha Giacôbê, lời giải thích của Cha đi thẳng vào tim tôi và nằm lại ở đó. Tôi mong mau đến ngày được dự kỳ tĩnh tâm kế tiếp. Tôi biết là giờ đây, tôi đã tìm được kho tàng mà tôi mong mỏi, khao khát, mòn mỏi đi tìm điều này đã rất lâu rồi! Một thứ mà tôi có thể thủ đắc, tin dùng và tồn tại lâu dài. Tôi có thể dựa vào Chúa Giêsu, với Lời của Ngài, Ngài cho tôi tất cả những gì mà tôi luôn ao ước.

Đức Ông Sebastoam Thekethccheril, tòa giám mục giáo phận Vịayapuram đã có thư mục vụ với kết luận như sau:

Tôi vô cùng vui mừng giới thiệu và biết ơn công việc mục vụ của Cha James Manjackal dòng truyền giáo Phaxico thành Sales, trong lãnh vực phúc âm hóa. Ngài là vị tiên phong của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo ở Kerela Ấn Độ. Một nhà thuyết giảng sinh động đã du hành đến các tỉnh bang trong nước Ấn và đặc biệt tại giáo phận nhà … Ngài hoàn toàn bị liệt chân nhưng như một phép lạ, ngài di chuyển khắp Âu Châu khi được các Đức Giám Mục, Linh Mục sở tại thỉnh cầu đến chỉa sẻ Lời Chúa và ơn chữa lành của Chúa … Không để ý đến các sự đau đớn, về thể lý, Ngài vẫn còn rất tích cực hoạt động mục vụ và thu hoạch kết quả như một tôi tớ bị thương tổn của Chúa Giêsu. Ngài giảng dậy học thuyết Công Giáo cách hung hồn xuất phát từ một lòng tin mạnh mẽ…

Tháng 2 năm 2016, Cha Gia Cô Bê được Đức Thánh Cha Phan xi cô chỉ định là một trong số bẩy trăm “Sứ giả của Lòng Thương Xót” nhân dip năm thánh Lòng Thương Xót.

 

Xin Chúa cho Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ có thêm nhiều linh mục như cha Giacôbê Manjackal, để có thể tiếp nối công việc của Chúa Giêsu “…đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương; báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân; công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” (Isaia 61:2).